Động thái Saudi Arabia có thể xả ngập thị trường dầu để giành lại quyền kiểm soát giá có thể tạo ra một tình thế bất lợi cho Nga – một quốc gia vốn phụ thuộc vào giá dầu thô cao.
Theo tờ Business Insider, nền kinh tế của Nga có thể phải đối mặt với khoảng thời gian khó khăn để đảm bảo doanh thu từ dầu mỏ trong trường hợp Saudi Arabia tìm cách kiểm soát giá dầu thô toàn cầu.
Trước đó, Saudi Arabia được cho là đã phát tín hiệu dầu thô có thể giảm xuống mức 50 USD/thùng nếu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không cam kết cắt giảm sản lượng dầu.
Nói cách khác, Riyadh ám chỉ rằng nước này có thể khiến nguồn cung dầu tràn ngập thị trường. Các nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ làm giảm giá dầu thô và đóng vai trò như một lệnh trừng phạt các thành viên OPEC vì đã không hợp tác trong việc giảm lưu lượng dầu, trong đó có Nga.
Luke Cooper, nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh tế London, viết trên tạp chí IPS: “Với việc Nga bán dầu có chi phía sản xuất cao hơn với mức giá chiết khấu, một thị trường mà giá dầu xuống thấp có thể ảnh hưởng đến nguồn tài chính hỗ trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine của nước này”.
Trên thực tế, Saudi Arabia từ trước đến nay luôn cố gắng giữ dầu ở mức trên 100 USD/thùng bằng cách thúc đẩy các quốc gia thành viên cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, chiến lược của nước này được cho là không hiệu quả khi giá dầu thô quốc tế luôn dao động dưới mốc 80 USD. Để thay đổi chiến lược, các nguồn tin tiết lộ với tờ Financial Times rằng Riyadh hiện có kế hoạch xả cung vào tháng 12, gây sức ép lên các nước còn lại trong OPEC.
Theo dữ liệu xếp hạng toàn cầu của S&P, trong OPEC+, Nga nằm trong số các nước sản xuất thừa dầu mỏ. Dữ liệu có được gần đây nhất cho thấy Moskva đã sản xuất vượt mức hạn ngạch hàng ngày 122.000 thùng trong tháng 7. Tiếp đến, Iran và Kazakhstan cũng vi phạm các ngưỡng đã thỏa thuận.
Lo ngại lặp lại kịch bản cuộc chiến giá dầu 2020
Theo ông Simon Henderson - Giám đốc Chương trình Bernstein về Chính sách vùng Vịnh và Năng lượng tại Viện Washington, Moskva đang phải đối mặt với áp lực phải kiểm được lợi nhuận nhiều nhất có thể, vì cuộc chiến kéo dài gần 3 năm ở Ukraine đã làm tăng chi tiêu quốc phòng và an ninh của nước này, dự kiến chiếm 40% tổng chi tiêu liên bang trong năm tới.
Trong khi đó, tài chính của Nga phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ. Một vài năm trước, sản xuất khí đốt và dầu mỏ chiếm 35% -40% doanh thu ngân sách quốc gia.
Mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ nếu động thái "xả van" nguồn cung của Saudia Arabia khơi lại cuộc chiến giá dầu giữa Nga và nước này như năm 2020. Năm đó, những bất đồng về cắt giảm sản xuất cũng đã thúc đẩy cả hai quốc gia giải phóng nguồn cung, thách thức xem ai có thể tồn tại lâu hơn trong thị trường giá thấp.
Trong những tình huống này, dự trữ ngoại hối trở nên cần thiết song đây lại là vấn đề đối với Nga. Kể từ khi xung đột với Ukraine bùng nổ, quỹ tài sản quốc gia của Nga đã giảm gần một nửa vào đầu năm nay và nước này không còn khả năng tìm nguồn tiền tệ phương Tây để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình.
Tuy nhiên, để đánh giá xem liệu Nga có muốn đối đầu với Saudi Arabia trong một cuộc chiến giá cả hay không thì vẫn còn nhiều yếu tố phải xem xét. Theo ông Henderson, việc dự đoán các động thái của Điện Kremlin là rất khó vì có nhiều điều chưa biết liên quan đến doanh số bán dầu của Nga.
Nhà nghiên cứu Cooper coi một cuộc chiến giá cả tiềm tàng là tin xấu đối với Nga.
“Không giống như Saudi Arabia, chi phí khai thác dầu của Nga không rẻ, nên nước này không được chuẩn bị để đối phó với tình hình giá dầu xuống thấp. Điều này có thể thúc đẩy xung đột giữa Ukraine và Nga leo thang trong ngắn hạn, do Moskva cần nhanh chóng chiếm ưu thế trên chiến trường trước giá dầu xuống thấp làm xáo trộn thị trường”, ông Cooper lý giải.