Không thể "chuộc" sân Chi Lăng, Đà Nẵng là bài học về "chọn mặt gửi vàng"
Đại diện UBND TP
Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này địa phương không thể thu hồi sân vận động Chi Lăng. Hiện, cơ quan chức năng chỉ hoàn tất việc bàn giao mặt bằng sạch theo yêu cầu của cơ quan thi hành án.
Cuối năm 2010, Đà Nẵng đã giao hơn 55.000m2 sân vận động Chi Lăng cho Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh để đầu tư xây dựng dự án khu phức hợp, thu về ngân sách 1.251 tỉ đồng.
Tuy chưa có quy hoạch 1/500, nhưng thời điểm đó Đà Nẵng đã tách thửa, cấp 10 giấy chứng nhận sử dụng đất, "tạo điều kiện" cho Công ty Thiên Thanh "cầm", vay tại Ngân hàng Xây dựng.
Khi chủ đầu tư - ông Phạm Công Danh vi phạm pháp luật, theo bản án phúc thẩm hình sự số 30 năm 2017 của Tòa án Nhân dân Cấp cao TPHCM, sân Chi Lăng là tài sản kê biên - thi hành án.
Đà Nẵng xin phép Chính phủ, trả lại 1.251 tỉ đồng đã "bán đất" trước đây để thu hồi sân Chi Lăng, nhưng tại thời điểm thương lượng (năm 2018, 2019) Ngân hàng Xây dựng xác định toàn bộ diện tích đất sân vận động Chi Lăng và ông Phạm Công Danh phải có nghĩa vụ trả là 8.408 tỉ đồng. Trong đó nợ gốc 4.000 tỉ đồng, lãi phát sinh 4.408 tỉ đồng. Ngoài ra, 1 trong 10 "sổ đỏ" đã thế chấp tại Ngân hàng Xây dựng với tổng số tiền cả gốc lẫn lãi là 317 tỉ đồng.
Chưa kể, theo kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, việc Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất tại dự án này là trái luật, phải thu hồi 139,3 tỉ đồng nữa.
Vì vậy, ý định "chuộc" lại sân Chi Lăng của Đà Nẵng là bất khả thi.
Không có tiền bù trừ để "chuộc" đã đành, nhưng cũng không thể dùng quyền của nhà nước để can thiệp và xử lý các vấn đề có liên quan bởi sân Chi Lăng hiện là tài sản thi hành án.
Có rất nhiều dự án bất động sản khi "vỡ" ra, vướng vào lao lý thì mới lộ diện nhà đầu tư không đáng tin cậy. Và việc giao đất là quá rẻ so với thị trường.
Ở Khánh Hòa, sau Thanh tra việc giao đất cho Tập đoàn Phúc Sơn tại sân bay Nha Trang (cũ), Trung ương đã yêu cầu truy thu hơn 12.000 tỉ đồng chênh lệch giữa giá trị tiền sử dụng đất của dự án đối ứng và chi phí đầu tư các dự án BT... Nhưng hiện cũng bất thành.
Giao đất giá rẻ và chưa đủ tính pháp lý nên cả 3 dự án Heracomplex, 7B mở rộng, Bách Đạt 1 do Công ty Cổ phần Bách Đạt An ở Quảng Nam mới vướng vào lao lý, khiếu kiện kéo dài...
Chính vì giá rẻ hơn thị trường nên doanh nghiệp mới có thể cầm cố, vay ngân hàng với giá chênh lệch gấp nhiều lần. Rẻ hơn giá thị trường nên nhà đầu tư mới chuyển nhượng, bán lại với giá gấp đôi, sang qua nhiều nhà đầu tư thứ cấp... Nhà đầu tư không đáng tin cậy, mất uy tín nên mới không triển khai dự án như cam kết... Trường hợp rơi vào vòng lao lý thì chính quyền không thể chuộc lại được đất như trường hợp sân Chi Lăng, hay thu hồi tiền chênh lệch tại sân bay Nha Trang.
Câu chuyện bế tắc thu hồi sân Chi Lăng của Đà Nẵng là bài học xương máu, thêm lần nữa cảnh báo cho các địa phương trong việc lựa chọn nhà đầu tư, xem xét tính khả thi của dự án... Đặc biệt là định giá để giao đất. Nhất là những vị trí trung tâm, "đất vàng" như ở Đà Nẵng, Nha Trang.
Tập đoàn Phúc Sơn, mà ông Nguyễn Văn Hậu (biệt danh "Hậu Pháo") làm Chủ tịch HĐQT, chưa nộp lại gần 12.000 tỉ đồng mà Khánh Hòa yêu cầu. Nhà đầu tư này từ chối nộp tiền vì cho rằng, chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để tính toán, xác định, đảm bảo theo nguyên tắc ngang bằng giá trong việc thực hiện đầu tư các dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
Dùng dằng thực hiện nghĩa vụ tài chính
Sáng 27.2, nguồn tin Lao Động xác nhận, đến nay, Tập đoàn Phúc Sơn vẫn chưa nộp số tiền gần 12.000 tỉ đồng mà tỉnh Khánh Hòa truy thu khi doanh nghiệp này thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (dự án Trung tâm đô thị Nha Trang).
Đây là dự án thực hiện tại Sân bay Nha Trang cũ. Dự án này từng được Thanh tra Chính phủ nêu nhiều vi phạm và đến nay, địa phương vẫn đang đôn đốc, truy thu số tiền gần 12.000 tỉ đồng từ Tập đoàn Phúc Sơn.
Tỉnh Khánh Hòa căn cứ vào số liệu kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Thông báo số 680 năm 2019 để truy thu 12.000 tỉ đồng của Tập đoàn Phúc Sơn. Tuy vậy, doanh nghiệp này không đồng ý và đưa ra những lập luận khác.
Vào tháng 8.2022, Tập đoàn Phúc Sơn có phúc đáp trước việc tỉnh Khánh Hòa truy thu gần 12.000 tỉ đồng nghĩa vụ tài chính tại dự án Trung tâm đô thị Nha Trang.
Theo doanh nghiệp này, kể từ thời điểm được bàn giao đất để thực hiện dự án (tháng 10.2016) đến tháng 8.2022, doanh nghiệp chưa nhận được thông báo nào của cơ quan có thẩm quyền về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính dự án Trung tâm đô thị Nha Trang.
Tuy nhiên, Tập đoàn Phúc Sơn đã xác định sơ bộ giá trị chênh lệch giữa giá trị tiền sử dụng đất của dự án đối ứng và chi phí đầu tư các dự án BT, đồng thời chủ động nộp ngân sách nhà nước với số tiền là 376 tỉ đồng từ thời điểm 23.11.2018.
Cũng nói thêm rằng, số tiền 376 tỉ đồng mà Tập đoàn Phúc Sơn nộp vào ngân sách nhà nước là tiền “tạm nộp” và đang được giữ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Khánh Hòa. Theo giải thích của doanh nghiệp này, “đây là giá trị chênh lệch giữa giá trị quỹ đất thanh toán cho các dự án BT và giá trị dự án BT”.
Và sau này, các dự án BT thanh toán, quyết toán xong, Tập đoàn Phúc Sơn cho biết sẽ đề xuất hướng xử lý tiếp theo xung quanh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính nói trên.
Trước những phản hồi từ phía doanh nghiệp, đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo Bộ Chính trị và xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.
Vi phạm giao đất, cho thuê tại sân bay Nha Trang
Tại Khánh Hòa, Tập đoàn Phúc Sơn là nhà đầu tư được địa phương giao thực hiện các dự án các tuyến đường, các nút giao kết nối sân bay Nha Trang; dự án đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội và dự án nút giao thông Ngọc Hội theo hình thức hợp đồng BT.
Nguồn vốn để thanh toán cho các dự án BT là các quỹ đất thuộc Khu trung tâm đô thị Nha Trang (sân bay Nha Trang cũ).
Đáng nói là 3 dự án BT tại TP Nha Trang đến nay vẫn chưa hoàn thành, bàn giao nhưng Tập đoàn Phúc Sơn đã phân lô bán nền gần hết các khu “đất vàng” được giao hoàn vốn tại sân bay Nha Trang cũ và thu hàng nghìn tỉ đồng của nhiều người dân mua đất .
Trong khi đó, việc giao đất tại sân bay Nha Trang cũ cũng có nhiều lổ hổng pháp luật.
Theo hồ sơ, sân bay Nha Trang vốn do Bộ Quốc phòng quản lý, có tổng diện tích khoảng 238,82ha. Đến năm 2009, Bộ Quốc phòng và tỉnh Khánh Hòa xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân bay Nha Trang và được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý.
Năm 2015, tỉnh Khánh Hòa và Bộ Quốc phòng ký Biên bản bàn giao 18,8ha đất sân bay Nha Trang cho địa phương quản lý. Cũng trong năm này, tỉnh Khánh Hòa, Trường Sĩ quan Không quân và Tập đoàn Phúc Sơn bàn giao và tiếp nhận 18,8ha trên thực địa. Tiếp theo đến năm 2016, Tập đoàn Phúc Sơn đã tổ chức bàn giao, tiếp nhận 44ha quỹ đất sân bay Nha Trang (đợt 2)…
Trong năm 2016, tỉnh Khánh Hòa có quyết định số 3262 thu hồi đất do Trường Sĩ quan Không quân quản lý tại khu vực sân bay Nha Trang và giao đất, cho thuê đất cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện Dự án Khu Trung tâm đô thị Nha Trang (phân khu 2A; phân khu 2 và phân khu 3), diện tích 623.064m2.
Sau này, những nội dung giao đất, cho thuê đất tại Quyết định 3262 nói trên, Thanh tra Chính phủ đã kết luận vi phạm quy định của Luật Đất đai và không phù hợp với chủ trương sử dụng quỹ đất tại sân bay Nha Trang để hoàn vốn cho các dự án BT...
Cả 3 dự án BT (xây dựng – chuyển giao) tại sân bay Nha Trang do Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện đều chậm tiến độ. Hơn nữa, doanh nghiệp này đến nay vẫn chưa thực hiện đóng 11.994 tỉ đồng nghĩa vụ tài chính tại dự án ở TP Nha Trang.
Ngày 26.2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi "Hậu Pháo") - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn.
Kết quả điều tra ban đầu xác định Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và các bị can đã có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Loạt dự án BT ở Khánh Hòa chậm tiến độ
Được biết, trong các dự án của Tập đoàn Phúc Sơn đầu tư có 3 dự án BT tại sân bay Nha Trang. Các dự án này nhiều năm liền chậm tiến độ, không thể đưa vào khai thác vào cuối năm 2017 như doanh nghiệp đã cam kết.
Theo hồ sơ, Tập đoàn Phúc Sơn là nhà đầu tư được tỉnh Khánh Hòa giao thực hiện các dự án các tuyến đường, các nút giao kết nối sân bay Nha Trang; dự án đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội và dự án Nút giao thông Ngọc Hội theo hình thức hợp đồng BT.
Nguồn vốn để thanh toán cho các dự án BT là các quỹ đất thuộc
Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Tính đến tháng 8.2022, tổng tiến độ 3 dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn đạt khoảng 38%, tổng chi phí đầu tư là 1.284 tỉ đồng.
Riêng nút giao thông Ngọc Hội, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được mặt bằng đối với nhánh phía Bắc (N4). Khi nào đủ mặt bằng thì nhà đầu tư sẽ lên kế hoạch thi công. Tính đến ngày 25.8.2023, tổng chi phí chủ đầu tư đã đầu tư dự án là 772 tỉ đồng.
Việc chậm tiến độ các dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn gây bức xúc dư luận, đặc biệt tại nút giao Ngọc Hội thường xuyên ùn tắc giao thông cục bộ.
Tranh cãi chuyện truy thu gần 12.000 tỉ đồng từ Tập đoàn Phúc Sơn
Liên quan đến hoạt động của Tập đoàn Phúc Sơn ở Khánh Hòa, dư luận còn quan tâm đặc biệt đến việc địa phương truy thu số tiền gần 12.000 tỉ đồng tại dự án Khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Cụ thể vào tháng 8.2022, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Tập đoàn Phúc Sơn về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án nói trên với số tiền 11.994 tỉ đồng.
Số tiền này được dựa trên số liệu kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Thông báo số 680 năm 2019 và văn bản mới đây của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Cũng trong năm 2022, tại họp báo định kỳ, ông Lê Hữu Hoàng giải thích, nội dung thu hồi 12.000 tỉ đồng của Tập đoàn Phúc Sơn là một trong số các hạn chế chậm khắc phục các sai phạm, nhất là thu hồi tài sản thất thoát theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã thông báo cho tỉnh Khánh Hòa.
Để tháo gỡ các vướng mắc nói trên, ông Lê Hữu Hoàng cho biết tỉnh đã xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, từ đó báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Sau khi có thông báo của tỉnh Khánh Hòa, Tập đoàn Phúc Sơn đã có phản hồi địa phương.
Theo đó, đại diện tập đoàn này cho rằng, số tiền 11.994 tỉ đồng mà tỉnh thông báo thu hồi chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để tính toán, xác định, đảm bảo theo nguyên tắc ngang bằng giá trong việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án theo hình thức BT.