TẠP CHÍ KINH TẾ
Xóa bỏ đồng Franc CFA, châu Phi vẫn phụ thuộc vào Pháp
Đăng ngày: 13/01/2020 - 14:45
Nghe - 11:38
Thêm vào danh sách chờ
Sau gần 75 năm được lập ra và sử dụng từ thời thực dân đô hộ, thống trị các nước châu Phi, đồng Franc CFA được thay thế bằng đồng Eco. Dự án này nhằm gạt bỏ những chỉ trích, theo đó, các nước châu Phi, tuy giành được độc lập từ hơn nửa thế kỷ qua, nhưng vẫn nằm dưới sự «
bảo hộ tiền tệ » của Pháp.
Đồng 5000 và 1000 Franc CFA lưu hành tại Tây Phi. RFI/Pierre René-Worms
QUẢNG CÁO
«
Vấn đề đồng Franc CFA đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận và nhiều chỉ trích về cái gọi là vai trò của nước Pháp tại châu Phi. Vậy thì chúng ta hãy cắt đứt giây neo ràng buộc này đi và can đảm tiến lên, nhìn về phía trước và cùng nhau tạo lập một mối quan hệ đối tác không chút mặc cảm nào. Nước Pháp không có gì phải giấu diếm cả. Chính vì thế, tôi muốn đặt lại tất cả các vấn đề để chúng ta có thể cùng nhau viết một trang sử mới, một trang mới trong quan hệ chung của chúng ta, chấm dứt, xóa bỏ những hào nhoáng cũ kỹ, lỗi thời, các hiểu nhầm và đôi khi là cả các biện pháp không còn có ý nghĩa gì cả.
Hôm nay, tôi rất vui mừng được cùng với tổng thống Côte d’Ivoire, thông báo một cuộc cải cách lịch sử và quan trọng ».
Ngày 21/12/2019, tại Abijan, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với đồng nhiệm Côte d’Ivoire Alassane Ouattara, thông báo xóa bỏ đồng Franc CFA, sau gần 75 năm được lập ra và sử dụng từ thời thực dân đô hộ, thống trị các nước châu Phi.
Về mặt chính trị, dự án cải cách đồng Franc CFA là nhằm gạt bỏ những chỉ trích, theo đó, các nước châu Phi, tuy giành được độc lập từ hơn nửa thế kỷ qua, nhưng vẫn nằm dưới sự «
bảo hộ tiền tệ » của Pháp. Do vậy, nguyên thủ Pháp muốn xóa bỏ những di sản từ thời thực dân.
Tuy nhiên, có một câu hỏi quan trọng được nêu ra : khi xóa bỏ đồng Franc CFA và thay thế bằng đồng Eco, liệu các nước châu Phi có thực sự cắt đứt sợi dây ràng buộc, phụ thuộc vào Pháp hay không ? Hay nhìn dưới góc độ khác, liệu Paris có còn ảnh hưởng đối với châu Phi hay không ? Cuộc tranh luận, vốn kéo dài từ lâu nay, vẫn chưa chấm dứt.
Năm 1945, Pháp lập ra một đồng tiền duy nhất cho các nước Tây Phi, Franc CFA. Ban đầu, đó là đồng Franc của Các thuộc địa Pháp tại châu Phi. Đến năm 1958, đơn vị tiền tệ này được đổi tên thành Franc của Cộng đồng Pháp tại châu Phi. Từ khi giành được độc lập cho đến nay, 14 nước châu Phi, với khoảng 150 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội lên tới 235 tỷ đô la, vẫn dùng Franc CFA, và bộ Tài Chính Pháp giữ vai trò quyết định, quản lý trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính. Đây là trường hợp «
độc nhất vô nhị » trên thế giới. Cụ thể, Kho Bạc (Ngân Hàng Trung Ương Pháp) và chính quyền Pháp định ra tỷ giá hối đoái cố định cho đồng Franc CFA so với đồng Euro. Chính vì tỷ giá hối đoái này mà các nước châu Phi phải đặt 50% tổng dự trữ ngoại tệ của mình trong Kho Bạc Pháp và việc điều chỉnh khối lượng dự trữ ngoại tệ này được thực hiện qua một tài khoản «
giao dịch » tại Ngân Hàng Trung Ương Pháp. Đồng Franc CFA được thiết kế và in ấn tại Pháp. Chính quyền Pháp có đại diện trong tất cả các định chế ra quyết định của hệ thống đồng Franc CFA.
Nhóm 14 nước châu Phi này chia thành hai cộng đồng tiền tệ tài chính riêng biệt : thứ nhất là Liên Hiệp Kinh Tế Tiền Tệ Tây Phi – UEMOA, với đồng Franc Cộng đồng tài chính châu Phi – mã số XOF – bao gồm 8 quốc gia (Benin, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Guinée-Bissau, Mali, Niger, Senegal, Togo) ; thứ hai là Cộng Đồng Kinh Tế Tiền Tệ Trung Phi – CEMAC, với đồng Franc Hợp tác tài chính Trung Phi – mã số XAF, có 6 thành viên Trung Phi (Cameroon, Congo, Trung Phi, Gabon, Guinée Xích Đạo, Tchad).
Dự án cải cách đồng Franc CFA đã được thảo luận từ năm 1987. Do các nước không đồng nhất về mức độ phát triển kinh tế và có những tham vọng địa chính trị khác nhau, dự án này bước đầu chỉ liên quan đến nhóm 8 quốc gia Tây Phi thuộc UEMOA.
Ngày 29/06/2019, Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi – CEDEAO – đã quyết định gọi đồng tiền mới là Eco, thay thế cho đồng Franc CFA, đơn vị tiền tệ vẫn được sử dụng tại 8 trong số 15 quốc gia thành viên của CEDEAO.
Tại cuộc họp cuối tháng 12/2019, ở Abidjan, tổng thống Côte d’Ivoire thông báo nội dung cải cách đồng Franc CFA :
«
Chúng tôi đã quyết định tiến hành cải cách đồng Franc CFA với ba thay đổi lớn sau đây : Thứ nhất là thay đổi tên gọi đồng tiền, từ France CFA thành đồng Eco. Thứ hai, chấm dứt việc tập trung, đặt 50% tổng dự trữ ngoại hối của các nước châu Phi tại Kho Bạc Pháp và đóng tài khoản giao dịch. Thứ ba, rút các đại diện của Pháp ra khỏi tất cả các cơ quan ra quyết định và quản lý của Liên Hiệp Kinh Tế và Tài Chính Tây Phi – UEMOA ».
Trên đài RFI, kinh tế gia Senegal SARR Abdourahmane, giám đốc cơ quan tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Tài trợ Phát triển Địa phương (CEFDEL), nhận định rằng quyết định cải tổ đồng Franc CFA mang tính lịch sử :
«
Cải cách này mang tính lịch sử theo nghĩa đây là một giai đoạn đi đúng hướng. Bởi vì điều này cho phép làm sáng tỏ nội dung các cuộc tranh luận về đồng Franc CFA : Người Pháp không còn hiện diện trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý nữa ; lãnh đạo các nước châu Phi lựa chọn tỷ giá hối đoái cố định, bám theo đồng Euro và đề nghị đích danh nước Pháp đứng ra bảo đảm tỷ giá này. Như vậy, nội dung các cuộc tranh luận sẽ thay đổi : việc lựa chọn tỷ giá cố định bám theo đồng Euro, việc nước Pháp đứng ra bảo đảm tỷ giá… những điều này có lợi hay không cho nền kinh tế các nước châu Phi. Lúc đó, các chuyên gia kinh tế có thể thảo luận và không để cho cuộc tranh luận bị ô nhiễm bởi các câu hỏi mà về thực chất không có gì quan trọng cả.
Việc cải cách này không hề dẫn đến những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Ngoại trừ một điểm : sự hiện diện của người Pháp trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý bị coi là một sự can thiệp. Nay không còn người Pháp nữa. Sự nhìn nhận về điểm này thay đổi. »
Trước những lo ngại về việc cải cách tiền tệ có thể làm cho đồng tiền Eco mới mất giá so với đồng Franc CFA, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Lemaire trấn an :
«
Không. Tôi xin bảo đảm là giá trị của đồng tiền không thay đổi, bởi vì tổng thống Côte d’Ivoire Alassane Ouattara đã sáng suốt đề nghị các nước thành viên khu vực đồng Franc CFA duy trì cơ chế tỷ giá cố định theo đồng Euro. Đây là một bảo đảm rất vững chắc về giá trị tiền tệ cho những ai vẫn thường xuyên sử dụng đồng tiền France CFA. Đồng tiền ổn định chống được lạm phát và tôi nghĩ đây là điều rất quan trọng, mang tính quyết định. Cần tránh tình trạng lạm phát tái xuất hiện trong khu vực Tây Phi khi chấm dứt dùng đồng Franc CFA. Và việc các nước trong khu vực đồng Franc CFA quyết định duy trì cơ chế tỷ giá cố định giúp tránh được nguy cơ nói trên ».
Theo giới chuyên gia, việc đồng Eco cũng như đồng Franc CFA trước đây có tỷ giá cố định theo đồng Euro tạo ra một số lợi thế, như ổn định nền kinh tế của các nước thành viên trong khu vực tiền tệ, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước trong cùng khối, giúp khống chế được nợ công, kiểm soát được lạm phát, trong khi một số nước láng giềng, do có đồng tiền riêng như Liberia, Nigeria thường xuyên phải đối mặt với nạn lạm phát thất thường. Tuy nhiên, việc đồng Eco có tỷ giá cố định, bám chặt theo đồng Euro vẫn đẩy các nước châu Phi vào tình trạng phụ thuộc như trước đây.
Cải cách tiền tệ, thay đổi tên gọi đồng tiền, không đặt dự trữ tại Kho Bạc Pháp, …, thế nhưng Paris vẫn đóng vai trò là «
người bảo đảm tối hậu » cho giá trị đồng Eco. Chính vì điểm này mà không ít chuyên gia kinh tế châu Phi cho rằng ảnh hưởng, bóng dáng của Pháp vẫn bao trùm hệ thống tiền tệ các nước Tây Phi. Về phần mình, bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Lemaire cố gắng giải thích như sau :
«
Đây thực sự là một bảo đảm tối hậu, sau cùng. Trong khi đó, các nước châu Phi thành viên có được hoàn toàn độc lập với quyết định mang tính lịch sử của lãnh đạo các nước trong khu vực. Tôi nhấn mạnh, đó là một sự độc lập hoàn toàn, bởi vì các nước thành viên không bắt buộc phải đặt dự trữ ngoại hối của mình trong kho bạc Pháp nữa, đóng tài khoản giao dịch. Đó là một sự độc lập hoàn toàn bởi vì không còn người Pháp trong các cơ quan lãnh đạo, quyết định của hệ thống tiền tệ này nữa. Đây là một sự thay đổi lớn. Giờ đây, các nước thành viên hoàn toàn tự do ra các quyết định.
Việc nước Pháp đứng ra bảo đảm tối hậu, sau cùng, có nghĩa là nếu xẩy ra một cuộc khủng hoảng về hối đoái, thì nước Pháp sẽ đứng bên cạnh, ủng hộ, giúp đỡ các nước thành viên, bình ổn tình hình. Tôi nhắc lại, Pháp chỉ đóng vai trò bảo đảm tối hậu, sau cùng và chỉ làm việc này nếu xẩy ra khủng hoảng tài chính ».
Một số kinh tế gia châu Phi tỏ thái độ bi quan, tố cáo dự án cải cách đồng Franc CFA chỉ là một một cuộc «
cách mạng nửa vời » hoặc một sự «
lừa đảo về chính trị ». Thực ra, để lật sang một trang mới trong lĩnh vực tiền tệ, các nước châu Phi phải vững chắc về kinh tế và phải tuân thủ một số tiêu chí hướng tới sự đồng thuận, tương đồng giữa các nền kinh như lạm phát chỉ bằng hoặc dưới 5%, thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% tổng sản phẩm quốc nội, dự trữ ngoại tệ phải bằng hoặc lớn hơn 3 tháng nhập khẩu…Thế nhưng, cho đến nay, không một quốc gia nào trong số 8 quốc gia thực hiện cải cách, thậm chí cả 14 nước châu Phi sử dụng đồng Franc CFA tuân thủ được các tiêu chí này.
Kinh tế gia Dieudonné Essomba, thuộc bộ Kinh Tế, Kế Hoạch và Quy Hoạch Lãnh Thổ Senegal, được báo Le Monde trích dẫn, nhận định : Các nước châu Phi muốn có các giải pháp chính trị và mang tính tư tưởng trước một vấn đề kỹ thuật. Có thể giải quyết được vấn đề chính trị, tư tưởng và đó là điều người ta đang làm, tức là đuổi nước Pháp (ra khỏi hệ thống tiền tệ). Người ta có lý khi làm như vậy. Thế nhưng, điều này không giúp giải quyết được vấn đề làm sao có được một hệ thống tiền tệ phù hợp với các nền kinh tế châu Phi. Tại một quốc gia không sản xuất được gì cả thì không thể nào có được một đồng tiền độc lập.
Đức Tâm
Sau gần 75 năm được lập ra và sử dụng từ thời thực dân đô hộ, thống trị các nước châu Phi, đồng Franc CFA được thay thế bằng đồng Eco. Dự án này nhằm gạt bỏ những chỉ trích, theo đó, các nước châu Phi,…
www.rfi.fr