VIP000
Thạc sĩ
Quang Linh Vlogs và nhóm châu Phi: Truyền cảm hứng kết nối người dân Việt Nam-Angola
Sáng ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có buổi tiếp anh Phạm Quang Linh và team châu Phi tại Hà Nội.
baoquocte.vn
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp anh Phạm Quang Linh và nhóm châu Phi. (Ảnh: Cảnh Tiêu)
Tại buổi gặp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng bày tỏ vui mừng gặp gỡ Phạm Quang Linh và nhóm châu Phi, đặc biệt còn có thành viên nhóm là người Angola. Thứ trưởng ghi nhận, đánh giá cao những hoạt động đầy ý nghĩa mà anh Linh và nhóm đã, đang thực hiện tại Angola cũng như ở Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết, những video của Phạm Quang Linh và nhóm không chỉ có những hình ảnh sống động, ý nghĩa về cuộc sống ở châu Phi mà còn chứa đựng những câu chuyện nhân văn sâu sắc, tạo niềm tin và cảm xúc cho người xem, góp phần mang tới hình ảnh đẹp, thân thiện của đất nước, con người Việt Nam ở châu Phi.
Cùng với các hoạt động thiện nguyện, Quang Linh và nhóm đã nỗ lực quảng bá, lan tỏa văn hóa Việt Nam bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo nhịp cầu hữu nghị kết nối nhân dân hai nước Việt Nam và Angola. Việc làm ý nghĩa này của Linh và nhóm cũng đã truyền cảm hứng cho các bạn thanh niên trong nước cũng như ở nước ngoài.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại cuộc gặp. (Ảnh: Cảnh Tiêu)
Thứ trưởng mong muốn Quang Linh và nhóm ngày càng ổn định, phát triển, đoàn kết, chung tay xây dựng cộng đồng người Việt tại Angola phát triển, vững mạnh và có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa hướng về quê hương, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.
Đặc biệt, với những hoạt động tích cực của nhóm, mong nhóm sẽ tăng cường phối hợp cơ quan đại diện ta ở Angola, các tổ chức hội đoàn người Việt ở đây để kết nối, đoàn kết bà con người Việt tại Angola, góp phần quảng bá, giữ gìn, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hoá, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc tới người dân sở tại và bạn bè quốc tế.
Anh Phạm Quang Linh và nhóm châu Phi phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: Cảnh Tiêu)
Thay mặt nhóm châu Phi, anh Phạm Quang Linh cảm ơn Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã dành thời gian tiếp các thành viên của nhóm.
Anh báo cáo với Thứ trưởng về hoạt động của nhóm trong thời gian qua và những hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Anh cho biết, nhóm đang tích cực hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, nguồn giống cho người dân Angola trong việc trồng lúa. Mùa là lúa đầu tiên được thu hoạch đã trở thành nguồn động viên và khích lệ nhóm tiếp tục việc mở rộng và phát triển việc này ở Angola.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và nhóm châu Phi chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Thuận An)
Phạm Quang Linh và Team châu Phi
Năm 2016, Phạm Quang Linh đi theo diện xuất khẩu lao động sang Luanda, Angola, làm công việc thợ xây, mở xưởng làm nước đá.
Năm 2019, Quang Linh quyết định trở thành một Youtuber và tạo kênh “Quang Linh Vlog – Cuộc sống ở châu Phi” (với 9 thành viên là 4 người Việt, 5 người Angola, thường được gọi là Team châu Phi. Kênh Youtube có khoảng 4 triệu người theo dõi), nội dung tập trung vào những nội dung giản dị, mộc mạc, và chân thực về cuộc sống hàng ngày tại Angola, từ công việc đến giải trí.
Tại thời điểm đó, Quang Linh là người Việt duy nhất có các video phản ánh cuộc sống chân thực tại châu Phi, chia sẻ với người dân Angola về các món ăn Việt Nam, tiếng Việt, kết hợp chia sẻ về văn hóa Việt Nam trong cuộc sống thường ngày.
Năm 2022, Quang Linh thành lập trang trại Quang Linh Farm với mong muốn cung cấp nguồn giống cho người dân và thay đổi tư duy của họ về phát triển nông nghiệp; thành lập Công ty TNHH Quang Linh Store, kinh doanh các sản phẩm thời trang, trích một phần lợi nhuận cho các hoạt động thiện nguyện. Đầu năm 2023, Nhóm kết hợp với một số nhóm khác cùng thành lập Cộng đồng Team châu Phi.
Tại Angola, Phạm Quang Linh và nhóm đã xây dựng trang trại trồng lúa, ngô, khoai, bí…; chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn người dân Angola về kỹ thuật nông nghiệp; tạo việc làm, xây dựng trường học; khoan giếng hỗ trợ nước sinh hoạt; xây dựng hệ thống điện mặt trời; tích cực quảng bá văn hóa Việt Nam (tổ chức các trò chơi dân gian, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán…), dạy tiếng Việt cho người dân sở tại, giới thiệu/hướng dẫn người bản địa làm các món ăn truyền thống của Việt Nam…
Tại Việt Nam, nhóm đã về các vùng sâu vùng xa hỗ trợ xây dựng các điểm trường, lớp học; hỗ trợ vật dụng (bảng, bàn, ghế…), vật chất (quần áo); hỗ trợ sinh hoạt phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn…