VIP000
Thạc sĩ
Cuộc sống của cô gái ở Hà Nội 19 năm sống trong hình hài nam giới
(Dân trí) - Là con trai cả trong gia đình, Phương Nhã từng bị phụ huynh phản đối ý định chuyển giới thành nữ và cấm cản chuyện sử dụng hormone (nội tiết tố) thay đổi ngoại hình.
dantri.com.vn
Bùi Phạm Phương Nhã (SN 2005) hiện là sinh viên theo học chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao (Hà Nội). Dù sinh ra là nam nhưng ngay từ khi còn nhỏ, Nhã đã nhận thức được sự khác biệt của bản thân so với nhiều bạn nam cùng trang lứa.
Chiều cuối tuần, phóng viên Dân trí gặp Phương Nhã tại một quán cà phê ở quận Đống Đa, Hà Nội. Nam sinh vừa trải qua khoảng thời gian thi cử căng thẳng và chính thức kết thúc năm nhất tại Học viện Ngoại giao.
Phương Nhã sở hữu gương mặt xinh xắn, vóc dáng thon gọn cùng nụ cười duyên dáng. Dù chỉ mới bước vào giai đoạn sử dụng hormone nhưng nam sinh đã có được những thay đổi nhất định về vẻ bên ngoài, mềm mại và nữ tính hơn trước rất nhiều.
Theo Phương Nhã, để có được ngoại hình chỉnh chu, tự tin nhất trước khi ra ngoài thì trung bình mất khoảng 1 - 2 tiếng trang điểm và làm tóc. Túi dụng cụ gồm nhiều loại mỹ phẩm, son phấn khác nhau luôn được nam sinh sắp xếp gọn gàng và mang theo bên mình mỗi ngày.
Bình thường nam sinh sẽ chuẩn bị sẵn mọi thứ từ lúc ở nhà nhưng do lịch trình cuối tuần bị trùng nhau nên Phương Nhã phải di chuyển luôn ra quán cà phê, vừa hoàn thành công việc còn thiếu vừa chỉnh trang lại tất cả mọi thứ.
Phương Nhã cho biết, chi phí chuyển giới thường dao động từ 100-600 triệu đồng, tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Trong tương lai, nam sinh mong muốn sang Thái Lan thực hiện ca phẫu thuật quan trọng này.
Nhắc về vấn đề kinh tế, Phương Nhã tiết lộ được phía gia đình hỗ trợ một nửa còn lại bản thân nam sinh sẽ tự tích góp thêm từ các công việc đang làm như người mẫu ảnh, MC...
Ngoài thời gian làm người mẫu ảnh cho các thương hiệu thời trang, Phương Nhã còn là giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ôn luyện chứng chỉ IELTS ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Được biết, nam sinh đi dạy 2 buổi/ 1 tuần và đã gắn bó với công việc này từ thời điểm mới lên đại học.
Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi di chuyển đến phòng tập, Phương Nhã mở máy tính ra làm việc, soạn sẵn giáo án, kiểm tra và chấm bài cho học sinh. Công việc dạy học tuy vất vả nhưng đem lại cho nam sinh nhiều kỷ niệm vui, đáng nhớ.
"Phụ huynh và học sinh đều rất thân thiện và không hề phân biệt đối xử gì khi biết mình là người chuyển giới. Công việc giảng dạy cũng giúp mình có được một khoản thu nhập cố định hàng tháng, số tiền không lớn nhưng đủ để trang trải một số chi phí thuốc thang", Phương Nhã nói thêm.
Hàng ngày, Phương Nhã sẽ mất khoảng 40 phút di chuyển từ huyện Đông Anh, Hà Nội vào trung tâm thành phố làm việc, học tập. Dù nhà ở xa, đi lại tắc nghẽn nhưng nam sinh vẫn duy trì đến phòng tập, sinh hoạt văn nghệ với các bạn trong cộng đồng LGBT mỗi tuần.
Kỳ nghỉ hè năm nay, nam sinh dự định dành thời gian trau dồi kiến thức chuyên môn, tập luyện catwalk để sẵn sàng góp mặt trong một cuộc thi nhan sắc dành riêng cho cộng đồng LGBT sẽ diễn ra trong tháng 7 này.
Ở phòng tập cùng bạn bè là khoảng thời gian Phương Nhã cảm thấy vui vẻ, thoải mái nhất. Đây là nơi giúp nam sinh Hà Nội được sống hết mình với đam mê, có thêm niềm vui trong cuộc sống thường nhật và rèn luyện các kỹ năng mềm còn thiếu sót.
Phương Nhã bắt đầu đi giày cao gót từ tháng 4 năm nay. Ban đầu, nam sinh chỉ dám lựa chọn chiều cao 9cm để tập làm quen rồi sau đó chuyển dần lên những đôi giày cao khoảng 12-18cm.
"Quá trình tập luyện không tránh khỏi những vấp ngã, bầm tím hay chân bị sưng rộp nhưng để được làm điều bản thân yêu thích thì mình có thể chịu được hết", Phương Nhã vui vẻ bộc bạch.
Trong quá trình luyện tập, Phương Nhã luôn tạo ra nhiều kiểu tà áo giả định khác nhau với mong muốn tìm được dáng váy phù hợp nhất cho đêm thi chung kết sắp tới. Để tránh mắc phải những lỗi sai không đáng có, nam sinh nhờ bạn bè quay lại từng bước đi và cùng nhau nhìn lại, nhận xét chi tiết.
Phương Nam (SN 2000, Yên Bái) - bạn của Phương Nhã - cho biết: "Ban đầu mình không có cảm tình với Nhã vì thấy bạn thể hiện nguồn năng lượng quá tự tin. Sau khoảng thời gian tiếp xúc và làm việc chung, mình đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ.
Nhã còn trẻ tuổi nhưng rất tài năng, thông minh, có tư duy và kiến thức tốt. Đây chính là yếu tố cơ bản giúp bạn có thể tiến xa hơn trong tương lai. Là người đi trước, bản thân mình vẫn còn phải học hỏi rất nhiều điều từ sự kiên cường, nghị lực của Nhã".
Dù đi đâu, làm gì, nam sinh cũng tranh thủ tìm một góc nhỏ để gọi điện và kể chuyện cho mẹ nghe mỗi ngày. Phương Nhã thừa nhận bản thân gần gũi với mẹ hơn.
Cô Tuyết - mẹ của Phương Nhã - chính là người đầu tiên ủng hộ và chấp nhận sự thay đổi về ngoại hình của nam sinh. Thời điểm đầu khi thấy Nhã uống thuốc hormone, cô đã khuyên con ngừng sử dụng một thời gian, đưa đến bệnh viện lớn để lưu trữ mẫu tinh trùng với mong muốn trong tương lai Nhã vẫn có thể sinh con nếu muốn.
"Khi nghe tin con trai công khai giới tính thật, bản thân tôi ban đầu rất buồn và lo sợ cháu sau này sẽ có cuộc sống vất vả hơn các bạn bình thường khác. Việc can thiệp phẫu thuật chuyển giới cũng khá nguy hiểm đến sức khỏe nên tôi đã quyết định đồng hành để con phát triển toàn diện và có một tương lai tốt hơn", cô Tuyết chia sẻ.
Sau một ngày hoạt động mệt mỏi, Phương Nhã tiếp tục di chuyển đến địa điểm làm việc cuối cùng. Đây chính là một buổi sinh hoạt ấm cúng giữa các thành viên thuộc cộng đồng LGBT trên địa bàn TP Hà Nội.
Có mặt tại sự kiện, Phương Nhã cùng bạn bè đã có những chia sẻ, tâm sự về các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, cách sử dụng thuốc PrEP... Dù đã là cuối ngày, nam sinh vẫn còn nhiều năng lượng, sẵn sàng giải đáp thắc mắc của các bạn xung quanh.