Cà Chớn
中国
Các nhà khoa học hải quân Trung Quốc công bố phương pháp xác định và theo dõi tàu chiến Mỹ trên toàn cầu bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh chất lượng thấp, miễn phí và truy cập mở.
Các bức ảnh vệ tinh có độ phân giải lên tới hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm mét, tức là một con tàu lớn có thể chỉ chiếm 1 pixel hoặc ít hơn - khiến nó không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại Học viện Hải quân Đại Liên (Trung Quốc) đã phát hiện ra một tàu sân bay lớp Nimitz, một tàu tuần dương lớp Ticonderoga và một tàu khu trục lớp Arleigh Burke từ những hình ảnh này, theo South China Morning Post ngày 15.7.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Dwight D. Eisenhower ở biển Đỏ
AFP
Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã theo dõi tàu sân bay, tàu tuần dương và tàu khu trục của Hải quân Mỹ bằng cách phân tích hình ảnh sóng - một kỹ thuật đơn giản có thể được sử dụng bởi hầu hết mọi quốc gia hoặc tổ chức trên thế giới. Các tàu khác nhau tạo ra các mẫu sóng riêng biệt trên bề mặt biển, tương tự như dấu vân tay.
Theo nhóm nghiên cứu, việc xác định chính xác các mẫu tàu chiến của Mỹ đòi hỏi phải sử dụng các thông số nhạy cảm.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí học thuật Computer Simulation (Trung Quốc) hồi tháng 4, nhóm nghiên cứu này đã tiết lộ các thông số vật lý của họ. "Bằng cách sử dụng các thông số và thuật toán như đề cập trong báo cáo, về cơ bản, chúng ta có thể xác định được mô hình tàu chiến mục tiêu trong một số điều kiện nhất định", theo nhóm nghiên cứu.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc thiết lập một mạng lưới vệ tinh quan sát trái đất tương đối rộng lớn. Độ phân giải của các vệ tinh này có thể đạt tới 0,1 m. Các vệ tinh của Trung Quốc không chỉ theo dõi tàu chiến mà còn theo dõi máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tốc độ cao qua các đám mây.
Đối với các quốc gia hoặc tổ chức không có khả năng trên, thì họ vẫn có thể tận dụng những nền tảng cung cấp hình ảnh vệ tinh thời gian thực gần như miễn phí, song độ phân giải hình ảnh tương đối thấp. Chẳng hạn, Worldview của NASA có độ phân giải 250 m/pixel.
Tuy nhiên, phương pháp trên vẫn đối mặt nhiều rào cản. Theo nhóm nghiên cứu, một trong những thách thức của họ là cách để trích xuất thông tin hữu ích từ tiếng ồn của môi trường khi mây và sóng thường che khuất các đặc điểm chính của luồng sóng từ tàu chiến.
Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng phương pháp này gặp khó khi mục tiêu di chuyển nhanh hơn 20 hải lý. Hơn nữa, dưới ảnh hưởng của gió mạnh và sóng, mối quan hệ chồng chéo giữa sóng biển và sóng đuôi tàu có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả phân tích. Do đó, phương pháp này vẫn cần được thử nghiệm và tinh chỉnh với lượng dữ liệu thực tế lớn.