Adam Peaty tức giận khi hai VĐV Trung Quốc giành HC vàng 4x100m hỗn hợp từng dính doping nhưng vẫn được thi đấu Olympic.
"Có một câu nói trong thể thao khiến tôi tâm đắc gần đây là: 'Chiến thắng không có ý nghĩa nếu bạn không thi đấu công bằng'. Tôi nghĩ sâu thẳm trong tim, họ biết sự thật là gì", Peaty nói. "Ngay cả khi chạm thành bể đầu tiên nhưng biết mình gian lận, bạn cũng chẳng phải người chiến thắng đúng không? Với tôi, khi bạn từng dính doping và bị tới hai lần, nếu là người có danh dự, hãy rút lui khỏi môn thể thao này".
Peaty thi đấu nội dung 100m bơi ếch nam tại Olympic 2024. Ảnh: AP
Peaty là một trong bốn thành viên của tuyển Anh thi đấu nội dung 4x100m hỗn hợp tối 4/8. Họ về thứ tư, không giành huy chương. Trong khi đó, Trung Quốc giành HC vàng với thành tích 3 phút 27 giây 46. Hai trong bốn VĐV của họ, Qin Haiyang và Sun Jiajun, nằm trong danh sách 23 VĐV bơi lội Trung Quốc dương tính với chất cấm trước Olympic Tokyo 2020, nhưng vẫn được cho phép thi đấu.
Khi ấy, đã có tranh cãi xảy ra khi Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) hủy kết quả để 23 VĐV này dự Olympic 2020. Nhiều người trong số đó giành huy chương, trong đó có ba HC vàng. 11 VĐV trong số này tiếp tục dự Olympic 2024 bất chấp sự phản đối từ các đối thủ.
"Chúng ta phải đặt niềm tin vào hệ thống, nhưng rất khó. Hệ thống cần được thắt chặt hơn nữa. Ngay từ đầu, đây đã là gian lận, là hành vi lừa đảo. Tôi không nói điều này vì chúng tôi thua mà vì tôi theo đuổi tinh thần thể thao đích thực", Peaty nói, đồng thời cho biết anh đã cố gắng nín nhịn ba tuần nhưng cuối cùng vẫn phải nói ra nỗi bực tức.
Đội bơi Trung Quốc giành HC vàng 4x100 m hỗn hợp tại Olympic 2024. Ảnh: AFP
Tuần trước, tờ
New York Times đưa tin có hai VĐV bơi lội Trung Quốc dương tính với chất cấm vào năm 2022. Một trong số đó được tha bổng để tham dự Olympic 2024. Thông tin này một lần nữa làm dấy lên tranh cãi về tính trong sạch của các VĐV bơi Trung Quốc - chủ đề nóng trong nhiều năm qua.
Tại Olympic 2024, Trung Quốc đã giành tổng cộng 12 huy chương ở môn bơi, trong đó có hai HC vàng 100m tự do nam của Pan Zhanle và 4x100m hỗn hợp với đội hình gồm bốn VĐV Xu Jiayu, Qin Haiyang, Sun Jiajun và Pan Zhanle.
Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) giữ nguyên quyết định tha bổng cho 23 VĐV bơi lội Trung Quốc có kết quả dương tính với thuốc điều trị bệnh tim bị cấm.
Kình ngư Mỹ Caeleb Dressel, người giành HC bạc 4x100m hỗn hợp, khẳng định VĐV phải đặt niềm tin vào WADA và hiểu rằng các vấn đề về chất cấm nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. "Việc của VĐV là thi đấu tốt nhất. Nếu chúng tôi thua thì do họ mạnh hơn thôi", Dressel nói.
WADA và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đang mâu thuẫn với các quan chức phòng chống doping của Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI). FBI được điều động để điều tra các VĐV Trung Quốc theo một điều luật cho phép cơ quan này theo dõi các vụ doping trên toàn thế giới.