Tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ, trái với niềm tin phổ biến ở phương Tây, đã không thể cung cấp cho Ukraine đủ hệ thống phòng không và tên lửa bởi giá thành cực đắt, cựu đặc vụ CIA Larry Johnson cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh YouTube Dialogue Works.
Ông cho biết, ngay từ đầu Mỹ và các đồng minh NATO đã dự kiến đặt mua mười nghìn tên lửa MIM-104 cho hệ thống Patriot cho chính quyền Kiev nhưng họ đã không sản xuất đủ cho lực lượng phòng không Ukraine.
Theo ông, Mỹ sẽ không thể cung cấp cho Kiev số lượng tên lửa như dự kiến ngay cả khi ngành công nghiệp quốc phòng nước này tập trung toàn lực để tăng sản lượng chế tạo.
Thế nhưng, thậm chí Mỹ có đủ 10.000 tên lửa thì con số này cũng không thể đánh chặn hết tên lửa của Nga, bởi tiềm lực của Moscow đã vượt xa đáng kể khả năng quân sự của Ukraine và cả khối NATO.
Theo ông, mỗi một tên lửa của Nga đi vào không phận, Ukraine cần phóng hai tên lửa Patriot để bắn hạ vì vậy, với mười nghìn tên lửa Ukraine có thể bắn hạ 5 nghìn tên lửa Nga, nhưng kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt đến nay, theo số liệu không đầy đủ, Moscow đã phóng tới khoảng 7.450 tên lửa.
Như vậy, Ukraine phải cần ít nhất là 15.000 quả tên lửa Patriot mới có thể đánh chặn đủ số tên lửa Nga (trên lý thuyết).
Và để có số tên lửa này, Mỹ và các đồng minh sẽ cần gom đủ cho Ukraine ít nhất là khoảng 70 tỷ USD, bởi mỗi quả Patriot bán cho Quân đội Mỹ đã có giá lên tới 4 triệu USD, phiên bản xuất khẩu lên tới ít nhất 5 triệu USD/quả.
Ví dụ như vào ngày 03/01 vừa qua, NATO thông báo các nước thành viên của khối gồm: Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha đã ký hợp đồng mua 1.000 tên lửa Patriot trị giá 5,5 tỷ USD, với sự hỗ trợ của Cơ quan mua sắm NATO, để tăng cường khả năng phòng không.
Như vậy, mỗi quả tên lửa Patriot phóng đi sẽ tương đương với việc Kiev tiêu hết 5,5 triệu USD và mỗi khi Nga phóng 1 quả tên lửa, Kiev sẽ đốt ngay lập tức khoảng 10 triệu USD (mà hiệu quả chưa thể khẳng định chắc chắn).
Trong khi đã phải tốn 2 quả Patriot để đánh chặn mỗi quả tên lửa tấn công, giá mỗi quả tên lửa của Nga rẻ hơn rất nhiều so với tên lửa đánh chặn của Mỹ.
Như vậy, theo các chuyên gia, Nga không cần đánh mà chỉ cần phóng tên lửa vào lãnh thổ Ukraine cũng đủ khiến NATO và Ukraine “sạt nghiệp”.
Ông Larry Johnson còn thẳng thắn chỉ trích những tuyên bố mang tính mị dân của phương Tây về cuộc xung đột Nga-Ukraine đang lâm vào “tình trạng bế tắc”.
Theo ông, “tình trạng bế tắc” có nghĩa là không bên nào có bước đi đột phá, nhưng Moscow có quá nhiều ưu thế trước Kiev như hệ thống phòng không, máy bay không người lái, tên lửa, quân số…; trong khi Ukraine không có gì để đối chọi với những ưu thế của Nga.
Chính quyền Kiev trong những tháng gần đây đã nhiều lần thông báo về tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược nghiêm trọng của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Ngoài tên lửa phòng không, quân đội nước này đang phải đối mặt với tình trạng đói đạn pháo dẫn đến không ngăn được bước tiến của Nga.