Kể lại cuốn sách kinh điển “Trại súc vật” hẳn làm nhiều người ngáp: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đúng là nhiều người “biết” thật, nhưng rồi vẫn tư duy và ứng xử về quyền bình đẳng như kiểu loài lợn trong cuốn sách của G. Orwell (Hãy đọc các bình luận về tin nhà báo Huy Đức bị bắt).
Bạn có quyền nói Huy Đức là người bạn đáng yêu hoặc kẻ thù đáng căm ghét. Bạn có thể thấy Huy Đức viết hay hoặc dở, viết đúng hoặc sai, vì lý tưởng hay vì cơ hội, v.v….
Nhưng đó có thể là những lý do chính đáng để ủng hộ hay phản đối quyền tự do tư tưởng của Huy Đức không?
Một người viết, bất kể mọi tính từ bạn muốn gán cho anh/ chị ta, miễn không cổ xúy bạo lực, không chống lại con người, thì việc bắt bớ người viết ấy là cổ xúy bạo lực, chống lại con người.
Thật mỉa mai là không ít người ủng hộ nhân quyền, đòi hỏi công bằng tự do cho xã hội lại hả hê khi thấy Huy Đức bị bắt.
Đức là nơi cư trú hiện nay của không ít nhà hoạt động dân chủ Việt Nam.
Một trong những quyền đầu tiên được khẳng định trong bộ Luật Cơ Bản của Đức là: mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến riêng của mình.
Đó là một nguyên tắc cơ bản của mọi xã hội văn minh, để gìn giữ văn minh, giữ gìn nhân tính.
Nhà thơ Thận Nhiên gần đây có viết: “Khi không thủ đắc tự do thì con người chỉ ngang bằng với các loài động vật khác, dù ăn thịt hay ăn cỏ”.
Nhiều người nói, quyền bình đẳng về tự do ngôn luận chỉ nên có ở các xã hội dân trí cao thôi, không nên có ở những xã hội dân trí thấp như Việt Nam.
Ô hay, người ở xã hội dân trí cao là người, người ở xã hội dân trí thấp có phải là người không?
Và nếu không có tự do tư tưởng, thì làm sao phát triển được dân trí?
Nếu không có tự do tư tưởng, hẳn đã không có “kẻ dị giáo” Galilei đặt nền móng cho khoa học hiện đại, và đến bây giờ nhân loại vẫn chìm trong bóng tối thời trung cổ, tin rằng trái đất không quay.
CÂU CHUYỆN “TRẠI SÚC VẬT”:
Khởi đầu: Những con lợn thông minh đã làm cách mạng thành công, đuổi người chủ ra khỏi trang trại, đổi tên trại từ “Trại Manor” thành “Trại súc vật, viết lên tường “Bảy điều răn của chủ nghĩa súc vật”, trong đó quan trọng nhất là điều răn: “Tất cả các loài vật đều bình đẳng như nhau”.
Kết thúc: Những con lợn đã học đi thẳng, mang roi da và mặc quần áo, lợn và người chơi bài Poker cùng nhau, tên trại được đổi lại thành “Trại Manor”. Trên tường chỉ còn một điều răn duy nhất: “Tất cả các loài vật đều bình đằng, nhưng một số loài vật bình đẳng hơn những loài vật khác.”
“Một số loài” ở đây đương nhiên đứng đầu là loài lợn, kẻ đã viết, rồi xoá và viết lại điều răn về quyền bình đẳng cho có lợi cho mình, kẻ có roi da trong tay.
Những người tư duy về bình đẳng, về tự do như loài lợn trong cuốn sách này khi trở thành người có quyền lực thì cũng chỉ tạo ra được những cuộc thay đổi trong xã hội như loài lợn trong Trại súc vật mà thôi.