Như chúng ta đều hiểu, khi phát hiện có 02 nạn nhân bị giết bằng cách thức không thể lạnh lùng hơn, thì theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra phải vào cuộc nhanh nhất có thể, và phải nhanh chóng tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh nhằm xác định kẻ sát nhân máu lạnh ấy. Việc cấp bách lúc này là bên cạnh (song song) tiến hành khám nghiệm hiện trường, tử thi, CQĐT phải tung thêm lực lượng thực hiện việc xác minh tìm ra những đối tượng tình nghi để bắt hắn về quy án.
Các hoạt động điều tra ban đầu dường như không đem lại hiệu quả như mong đợi, nên hoạt động điều tra mang tính then chốt là phải tập trung vào hiện trường và tử thi. Đối với các vụ án giết người không có nhân chứng, thì hoạt động khám nghiệm hiện trường và tử thi được xem là chìa khóa để lần ra hung thủ, vì vậy CQĐT của bất kỳ quốc gia nào cũng phải tiến hành một cách tỉ mỉ và khoa học hoạt động này. Trước yêu cầu đó, đối với vụ án mạng ở Bưu điện Cầu Voi vào đêm 13/01/2008, bắt buộc CQĐT phải tiến hành các hoạt động như sau:
– Về khám nghiệm hiện trường: Việc đầu tiên là phải chụp ảnh ghi nhận tất cả mọi ngõ ngách, mọi đồ vật, dấu vết tại hiện trường (cụ thể, hẹp và rộng), sau đó, cán bộ có thẩm quyền phải dò từng chi tiết nhỏ nhất và phải tiến hành chính xác (gần như tuyệt đối) hoạt động thu giữ các dấu vết, đồ vật, tài liệu phát hiện được tại hiện trường; dấu vết như vân tay, vết máu, dấu giày dép và các dấu vết khác nếu thu giữ được là phải thu giữ ngay; các tài sản, đồ vật rơi vãi (kể cả các sợi tóc và tàn thuốc lá) và giấy tờ, sổ sách, tài liệu tại hiện trường đều phải thu giữ tất cả (chỉ trừ những thứ không thể thu giữ được), đồ vật nào cần niêm phong thì phải niêm phong ngay nhằm tránh bị con người làm mất đi dấu vết nguyên thủy…
Như vậy, khi vừa tiếp nhận thông tin, CQĐT chưa thể hình dung được cách thức động cơ và mục đích giết người của hung thủ, nên theo trách nhiệm phải kiểm tra thật kỹ càng và thu giữ tất cả đồ vật, sổ sách, giấy tờ và tờ báo nằm không đúng chỗ của nó nhằm phục vụ cho việc kiểm tra sau này, từ đó đưa ra các giả thuyết (khả dĩ) khác nhau về vụ án.
– Bắt đầu từ khu vực phòng kinh doanh, cho dù không có dấu vết xáo trộn, nhưng CQĐT phải thu tất cả sổ sách quản lý, kiểm tra kỹ các kiện hàng được nhập về, xuất giao và số còn lại; sổ ghi chép các cuộc gọi, các đồ vật khác, những chứng từ, những tờ giấy rơi vô tình đâu đó trong góc phòng này… Đối với sổ sách quản lý sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ về hoạt động hàng ngày của bưu điện nói chung và 02 nạn nhân nói riêng, nếu kiểm tra trong sổ sách ấy có điều bất thường sẽ giúp ích cho việc vạch ra thêm hướng điều tra; chi tiết về những cuộc giao dịch sẽ giúp định hình vào tối hôm ấy, có bao nhiều người đã đến sử dụng dịch vụ điện thoai tại bưu cục; những mẫu giấy “lạ” đôi khi sẽ cho ta một thông tin vô cùng quan trọng… và đặc biệt là kiểm tra xem nơi đây có camera hay không, nếu có thì việc trích xuất hình ảnh của nó sẽ rất có ích cho việc truy tìm hung thủ.
– Khu vực phòng khách, phòng ngủ, nhiệm vụ phải thu là 02 bịch trái cây, báo, hộp khăn giấy, những mảnh mút xốp bị cắt nằm trên bàn, 01 đôi giày (nữ) màu đen, 01 dép nhựa nữ, con gấu bông… Chúng ta làm sao biết được 02 bịch trái cây ấy là do ai mua, biết đâu hung thủ mua mang đến thì sao? Nếu nó do hung thủ mang tới thì chúng ta đã gặp may mắn vì đối tượng tình nghi sẽ được thu hẹp lại một cách đáng kể.
Còn những mẫu mút xốp, tại sao bị cắt như vậy, do ai đó ngồi chờ đợi cắt trong vô thức hay nó được cắt nhằm mục đích khác? Đôi giày và đôi dép nữ, chúng ta phải trả lời nó có phải là của nạn hay không? Con gấu bông, của nạn nhân hay của ai, nạn nhân có nâng niu nó trước khi bị giết hay không?
Đặc biệt là cái két sắt, ta thấy chìa khóa vẫn còn ghim trên ấy, thì chúng ta phải kiểm tra xem có mở được hay không, nếu mở được thì nó được mở trước khi hung thủ đến hay trong lúc có mặt hung thủ, và ai mở, nạn nhân hay là hung thủ? Rồi ĐTV phải yêu cầu lãnh đạo Bưu điện Cầu Voi hợp tác để kiểm tra bên trong nó có bị lục lọi hay không và còn lại những gì?
Két sắt trong Bưu điện. Ảnh: internet
Đối với những cái tủ dựng hàng ngang làm thành vách ngăn buồng ngủ, Điều tra viên không chỉ ghi nhận nó không bị xáo trộn mà còn phải yêu cầu mở tất cả ra để kiểm tra từng món đồ, từng bộ quần áo, nếu phát hiện có đồ vật lạ và đặc biệt có những loại quần áo của đàn ông hoặc có kích thước khác thường thì nó cho chúng ta có thêm thông tin tích cực; cái giường ngủ, thì sau khi chụp ghi lại tình trạng tấm ra, cái gối, mền, Điều tra viên dở nó lên truy tìm xem có gì bất thường hay không?
– Khu vực có xác 02 nạn nhân, dĩ nhiên là phải kiểm tra tỉ mỉ nhất có thể, sau khi chụp ghi lại các quan cảnh chung, những góc nhỏ, những đồ vật cụ thể, phải thu giữ tất cả đồ vật mà ta phán đoán là có ích cho việc hình dung lại cách thức hung thu sát hại 02 nạn nhân. Dĩ nhiên, điều không thể bỏ qua là phải tìm và thu giữ những con dao, 02 cô gái ở lại bưu điện nấu ăn, ngủ nghỉ như nhà của mình, thì thông thường phải có ít nhất 02 con dao, dao nhỏ (thái lan) và dao lớn phục vụ cho việc bếp núc; cái ghế, cái thớt, tờ báo Thể thao (ngày 9/01/2008); cái ly, cái khay đựng hạt hình tròn màu trắng đục nằm lẻ loi ở cầu thang, cái bọc có 01 trái chanh bên trong; Tô, chén dĩa đã qua sử dụng (để khi cần xét nghiệm xem có độc tố hay không)…
– Kế đến là kiểm tra kỹ và thu giữ các đồ vật cho dù là rất nhỏ (như sợi tóc) nếu ta phán đoán nó có thể nói lên điều gì đó trong khu vực nhà vệ sinh, ngoài hiên nhà.
– Một yêu cầu nữa là phải kiểm tra tầng lầu và nhà chứa máy phát điện, không thể nói nó vẫn còn trong tình trạng khóa và không có dấu vết cạy thì không kiểm tra. Biết đâu hung thủ sau khi giết nạn nhân rồi hắn giấu công cụ gì trong ấy rồi khóa lại thì sao, chúng ta không có một cơ sở nào để bác bỏ giả thuyết này.
Cầu thang lên lầu bị khóa. Ảnh: internet
Cũng xin nói thêm về tầng trên lầu, theo hình ảnh mà cộng đồng cung cấp thì nó được xây dựng kiên cố đến nỗi như là “một pháo đài”, đều này là bất bình thường, tôi chưa thấy một kiểu thiết kế nào như thế (nên tôi đã gọi nó là nhà mồ). Nếu nói vì tầng ấy chứa máy móc của bưu điện phải xây dựng kiên cố thì cũng phải có cửa sổ thông gió chứ, không lẽ người vào trong đó không cần hít thở không khí trong lành hay sao, và tại sao lại thiết kế như vậy, phải chăng có điều gì bất thường?
– Bên cạnh những yêu cầu như tôi vừa liệt kê, thì một công tác bắt buộc và đặc biệt quan trọng nữa khi khám nghiệm hiện trường là phải tìm hết các ngõ ngách xem có dấu vân tay để thu giữ nhằm truy tìm những kẻ lạ mặt, khả nghi đã từng vào trụ sở bưu điện. Chúng ta đều biết CQĐT cũng chưa thực hiện đúng, đầy đủ yêu cầu này. Tôi điển hình về hình ảnh cái thớt dính máu, nhìn qua hình ảnh chúng ta dễ dàng nhận ra sự bất thường trên ấy, nó có dấu vết ai đó đã lấy vật có đường thẳng gạt đi những vệt máu trên mặt thớt, và nếu phóng to ảnh lên để nhìn cho kỹ hơn thì hình như nó có dấu các ngón tay người.
Cái thớt dính máu. Ảnh: internet
CQĐT cũng đã nhận định cái thớt là vật mà hung thủ sử dụng đập đầu chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, như vậy đây là vật chứng đặc biệt quan trọng, trách nhiệm phải khai thác triệt để các dấu vết của nó, nhưng thực tế rất sốc, CQĐT lại không khai thác gì cả và thậm chí còn báo cáo với dư luận rằng do sơ suất về nghiệp vụ nên “quên thu giữ” nó. Đây là một yếu tố “nhạy cảm” làm cho dư luận (kể cả những người không có nghiệp vụ) phản đối dữ dội và đặt nghi vấn về sự khách quan, công tâm của CQĐT tỉnh Long An.
Vấn đề khám nghiệm tử thi, nếu không hiểu về hoạt động nghiệm vụ này thì các bạn sẽ không phát hiện ra sai sót trong ấy. Tôi đồng ý là nếu hung thủ cắt cổ lúc nạn nhân còn sống thì vết thương sẽ hở toạt ra (vết thương vùng cổ của cả 02 nạn nhân đều có kích thước 5x9cm), nhìn vết thương này ai cũng hiểu nạn chết do bị cắt cổ, nhưng với tư cách là Cơ quan điều tra thì không được phép kết luận đơn giản như vậy. Đúng là nạn nhân bị đập đầu rồi mới bị cắt cổ, nhưng phải chăng chỉ có thế? Muốn trả lời chắc chắn cho câu hỏi này, bắt buộc CQĐT phải yêu cầu bác sĩ Pháp y thu giữ mẫu phủ tạng và máu nạn nhân xét nghiệm độc chất. Khi có kết quả rồi chúng ta mới kết luận nguyên nhân làm 02 nạn nhân chết là như vậy.
Khi thực hiện toàn diện công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi, thu giữ và nghiên cứu tỉ mỉ tất cả dấu vết, đồ vật, tài liệu và căn cứ vào kết định giám định nhanh sau đó, lúc này công việc tiếp theo là đưa ra các giả thuyết về cách thức giết người của hung thủ, động cơ, mục đích giết người. Trong từng giả thuyết kèm theo nội dung của nó là những đối tượng khả dĩ. Nếu ta phán đoán rằng đây là vụ án giết người vì ghen tuông thì đối tượng là những người có tình cảm với nạn nhân hoặc là những mụ hoạn thư; nếu cho rằng đây là vụ án hiếp dâm, giết người và cướp tài sản thì đối tượng là những kẻ có dấu hiệu bệnh hoạn, bất hảo; nếu nghi ngờ rằng hung thủ chỉ đột nhập vào trộm cắp tài sản, chẳng may bị phát hiện thì phải khoanh vùng nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự…
Chúng ta có thể xây dựng nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng một giả thuyết nữa không thể bỏ qua là sự “thanh trừng tàn độc”. Giả thuyết này không phải là không có cơ sở, bởi vì cả 02 nạn nhân đều bị giết với một cách thức rất nhau giống bởi tên máu lạnh, trong đó vết thương rách da do vật sắc nhọn gây ra trên vùng lông mày, cằm trái và vùng đầu chị Hồng (bị đánh đến 04 cái bằng vật có mặt phẳng rộng, trơn, nhẵn) và môi bị dập môi (hung thủ có dùng tay bịt miệng nạn nhân rất mạnh và chặt), cho thấy chị Hồng có vùng vẫy ở khu vực bên trái của bàn bếp làm đồ đạc khu vực ấy rơi tứ tung.
Và Hồng có bị hung thủ từ phía sau ôm ngang ngực, cổ kéo lê chân phải dưới nền, nên bàn chân phải phải dính đầy chất bẩn ở phần mép ngoài và ngón cái (trước đây tôi bỏ qua tình tiết này khi mô phỏng về quá trình giết người của hung thủ, nay thấy cần bổ sung thêm cho hợp lý). Như vậy liệu hung thủ có khống chế chị Hồng trước khi kết liễu nạn nhân hay không? Nếu nhận định theo hướng giết người nhằm diệt khẩu thì chúng ta phải kết hợp với chi tiết trên két sắt vẫn còn chia khóa cắm trên ấy và hình ảnh chiếc ly nằm ở cầu thang để suy luận rằng hung thủ rất thân quen với nạn nhân, hắn có thời gian ngồi đọc báo thể thao, uống gì đấy ở cầu thang và muốn lấy đồ trong két sắt?!
Nếu lúc đó chị Hồng ở nhà một mình và bị khống chế như vậy liệu chị có liều chết phản kháng hay không? Xét tâm lý con người nói chung và đặc biệt là phụ nữ, thì khi một mình đối diện với (nhóm) sát thủ có lẽ họ sẽ ngoan ngoãn làm theo những gì bọn chúng yêu cầu. Như vậy tôi mạnh dạn dự đoán rằng chị đã nhìn thấy cái chết cận kề, có lẽ bọn chúng sau khi đạt mục đích đã đập đầu chị Vân bất tỉnh gần đó, nên chị Hồng bằng tất cả tiềm năng cuối cùng cố gắng tìm con đường sống, nhưng chị vẫn không thoát được số phận (phán đoán này là một khía cạnh khác, không tạo ra sự mâu thuẫn với sự mô phỏng cách thức giết người mà tôi nói ở Phần II, nó chỉ góp thêm một giả thuyết về sự việc cho mọi người hình dung và lựa chọn).
Từ những gì mà chúng ta nhìn thấy, đáng lẽ CQĐT phải mở rộng đối tượng tình nghi theo nhiều hướng mới phù hợp môn khoa học điều tra mà họ đã học, nhưng không, sau khi loay hoay hơn 02 tháng không tìm được manh mối gì, điều này cũng dễ hiểu, vì họ đâu có thực hiện đầy đủ các hoạt động như yều cầu của một vụ án giết người. Sau đó, có lẽ vì một duyên cớ nào đó, họ nhắm đến một thanh niên tuy có ham mê cờ bạc nhưng chưa đến nỗi là người xấu. Từ lời khai của anh Đinh Vũ Thường, Hồ Văn Bình về chiếc xe Dream và người thanh niên tóc dài, kết với việc nhà bà Nguyễn Thị Rưỡi cũng có 01 chiếc xe Dream như thế, trong khi anh Còi và anh Trí cũng thừa nhận đã nhìn thấy một người đàn ông khác hoàn toàn với Hồ Duy Hải, nhưng họ không mảy may đoái hoài đến lời khai của anh Còi và anh Trí, họ đã loại bỏ các giả thuyết một cách chủ quan nhất mà không hề có một chứng cứ khoa học thuyết phục nào để bác bỏ các giả thuyết đó.
Cái cách mà họ bắt được Hồ Duy Hải trong hoàn cảnh có lẽ là chuyện xưa nay hiếm. Các bạn hãy xem các phóng sự về hành trình phá án của ANTV, các bạn sẽ thấy một điểm chung trong các vụ án giết người không có nhân chứng, là CQĐT nhờ thực hiện nghiệp vụ tinh thông, đã lần ra hung thủ là ai, và cũng nhờ sự bám chặt địa bàn của các trinh sát, nên đã tóm gọn không cho hung thủ có cơ hội tiếp tục trốn chạy. Còn tên giết người tàn độc tên Hồ Duy Hải thì sao? Hắn vẫn sinh hoạt bình thường với gia đình, khi CQĐT Long An mời thì hắn vẫn vô tư đến nộp mạng để CQĐT thoải mái bắt hắn, có hung thủ máu lạnh nào ngu như thế không?
Tại sao Hồ Duy Hải được lựa chọn? Theo tôi, vì Hải có quen biết 02 nạn nhân, thường đến bưu điện lấy báo thể thao mà Hải đặt mua và đặc biệt là có tình ý với một trong hai nạn nhân. Kịch bản được dựng lên rằng, vào tháng 10/2007, Hải tình cờ quen với chị Vân trên chuyến xe từ Sài Gòn về Thủ Thừa, sau đó Hải đặt báo rồi thường đến bưu điện lấy báo nên nảy sinh tình ý với chị Hồng (người có 02 tình nhân tên Nguyễn Mi Sol và Nguyễn Văn Nghị hay Hữu Nghị nào đó), nhân một buổi tối đến tán tỉnh người đẹp, Hải nảy sinh dục vọng nên tìm cách dụ chị Vân đi mua trái cây để có cơ hội (mặc dù thời gian chỉ vài phút) để hiếp dâm chị Hồng, ý định “ăn vụn” chớp nhoáng bất thành, cái ác trong người Hải trỗi dậy nên đã tàn nhẫn giết chị người yêu, rồi để che giấu tội ác của mình, Hải lạnh lùng giết luôn người bạn gái. Câu chuyện này thật sự không thể khôi hài hơn, chắc chỉ có các em học sinh (đôi khi các em cũng không) tin là có thật?! Các “hoạt náo” viên còn ầm ĩ rằng, nạn nhân Hồng là cô gái lẳng lơ, do tính dễ dãi ấy của nạn nhân là nguồn cơn của thảm kịch.
Thảm kịch về chuyện tình ngang trái này đều được những người gần đó trình bày tương tự như nhau. Mọi người hãy chú ý sẽ thấy câu chuyện ấy chỉ được nói theo một chiều, hầu như không ai nói và nghi ngờ anh chàng người yêu của chị Vân (một cô gái đoan trang).
Phải chăng không một chàng trai nào theo đuổi Vân? Xâu chuỗi sự kiện dường như không có gì đáng chú ý sẽ cho chúng ta suy nghĩ theo một hướng khác mà chưa ai dám nghĩ đến. Chúng ta đều biết Hải quen Vân trước, vì Vân mà Hải đặt mua báo tại bưu điện để có lý do chính đáng thường xuyên đến bưu điện.
Đồng thời, mọi người đều biết thời điểm đó, các cô gái bưu đa phần là con cháu nhà quan, lại có nhan sắc nên đa phần rất chảnh, con trai nhà không có vị thế thì hầu như không thể nào tiếp cận được. Chị Hồng có nhan sắc và đang có người yêu, thì Hải có phải là đối tượng mà chị Hồng chiếu cố hay không, hơn nữa lý do ban đầu mà Hải tạo ra để thường xuyên đến Bưu điện Cầu Voi là gì? Là để gặp Vân các bạn nhé. Như vậy, tôi đoán người mà Hải yêu thích chính là Nguyễn Thị Thu Vân. Nhưng tại sao trong hồ sơ điều tra, người yêu của Hải là Hồng mà không phải là Vân? Dễ giải thích thôi mọi người, phải đổi người yêu thì kịch bản hài mới hợp lý!
Võ Tòng - Phó Viện trưởng VKS